Làm thế nào để lựa chọn sự nghiệp (thật phù hợp với bạn) bởi Tim Urban [Phần 1]

Bài viết gốc: How to Pick a Career (That Actually Fits You) by Tim Urban.

Xin chào các bạn! Nói nhanh một chút trước khi chúng ta bắt đầu:

Bài viết này là về một chủ đề mà tôi đã muốn viết từ rất lâu rồi đó là sự nghiệp. 

Xã hội nói rất nhiều: rằng chúng ta muốn gì ở sự nghiệp và các lựa chọn là gì—rất kỳ bởi tôi khá chắc là xã hội chẳng biết gì nhiều về mấy vụ này. Khi nói về sự nghiệp, xã hội như một ông bác già, người hay bắt chuyện với bạn mấy ngày nghỉ lễ, rồi huyên thuyên đủ thứ suốt 15 phút liền, và bạn lờ đi gần như suốt buổi bởi rõ ràng là ông bác chẳng biết gì và mọi thứ ổng nói đều lỗi thời 45 năm rồi. Xã hội giống như ông bác đó, còn trí tuệ thông thường thì giống như mấy lời của ổng vậy. Buồn cười là, thay vì bỏ ngoài tai, chúng ta để tâm vào từng từ xã hội nói, và đưa ra quyết định nghề nghiệp quan trọng dựa vào những điều đó. Có vẻ hơi kỳ khi chúng ta lại làm như vậy.

Bài viết này thực sự không phải là tôi đưa ra lời khuyên nghề nghiệp cho bạn—nó là một phương pháp mà tôi nghĩ có thể giúp bạn đưa ra các quyết định nghề nghiệp mà thực sự phản ánh đúng bạn là ai, bạn muốn gì, và bức tranh tổng quan về nghề nghiệp đang thay đổi nhanh chóng ngày nay. Mặc dù bạn không chuyên gia về chuyện này, nhưng chắc chắn bạn có đủ khả năng để xác định điều gì tốt nhất cho bản thân hơn là hội đồng các ông bác già không hiểu chính họ. Cho những ai chưa bắt đầu sự nghiệp và không chắc mình muốn làm gì, hoặc những ai đang ở giữa sự nghiệp và không chắc liệu mình có đang đi đúng hướng hay không, tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nhấn nút khởi động lại cách nghĩ và giúp bạn sáng tỏ nhiều điều.

Cuối cùng, tôi thấy thực sự sảng khoái khi đăng bài này lên. Đã rất, rất lâu rồi. Năm ngoái đã là một năm khá rối bời với tôi và bất cứ ai yêu mến Wait But Why (Ghi chú: đây là tên blog của tác giả gốc bài viết)— rất nhiều công gây dựng cho các ý tưởng và không có bài xuất bản nào đủ thỏa mãn cho các ý tưởng đó (phần lớn năm ngoái của tôi dành cho bài viết khác dài hơn nhiều). Tôi hy vọng là thời kỳ đen tối của WBW này đang đi đến hồi kết, bởi tôi rất nhớ công việc này. Như thường lệ, cảm ơn các bạn, một nhóm nhỏ những thành viên vô cùng rộng lượng và kiên nhẫn, đã sát cánh với chúng tôi qua giai đoạn thực sự trì trệ này.

— Tim

Cuộc đời của bạn trước giờ

Với hầu hết mọi người, tuổi thơ như là một dòng sông, còn chúng ta như một bầy nòng nọc vậy.

Chúng ta không chọn bơi ở sông nào. Chúng ta chỉ vừa mở mắt ra đã thấy mình ở đâu đó, rồi cứ thế bắt đầu đi trên con đường vạch ra bởi bố mẹ, bởi xã hội, và bởi hoàn cảnh. Chúng ta được chỉ về quy luật của dòng sông, cách chúng ta nên bơi và các mục tiêu nên là gì. Việc của chúng ta không phải là nghĩ về con đường của mình—mà là sao để thành công trên con đường mà chúng ta được chọn cho, với định nghĩa thành công cũng được định sẵn.

Với rất nhiều người—và tôi nghi là phần đông độc giả của Wait But Why—dòng sông tuổi thơ đó sẽ đổ vào một cái hồ được gọi là đại học (1: và bậc cao học khác nữa). Chúng ta có thể tự quyết định một chút về việc vào cái hồ đại học nào, nhưng sau cùng, hầu hết các trường đều không khác nhau lắm.

Trong hồ này, chúng ta có thêm một chút không gian và tự do để trải nghiệm những sở thích cụ thể hơn. Chúng ta bắt đầu suy ngẫm, nhìn ra các khu vực ven hồ—nơi thế giới thực bắt đầu, nơi chúng ta sẽ dành toàn bộ thời gian còn lại để sống và làm việc. Điều này thường mang lại một số cảm xúc lẫn lộn.

Thế giới thật phức tạp và tôi là đám mây yếu mềm;
Sẽ ra sao nếu mọi người nhìn ra mình chỉ là tia chớp lừa dối;
Tôi có linh cảm là tôi sẽ rực sáng ở chân trời bao la;
Thế giới như con hàu tươi sáng của tôi;
Sẵn sàng phiêu lưu đến cùng trời cuối đất;
Chẳng ai dạy tôi về các cơn gió lạnh cóng của bảo hiểm sức khỏe cả.

Và rồi, 22 năm sau khi tỉnh giấc trong dòng sông vội vã, bạn bị đá khỏi nó và cả thế giới bảo rằng hãy tự lập đi.

Rồi, bắt đầu xây dựng cơ nghiệp đi.

Có một vài vấn đề ở đây. Đầu tiên là ở thời điểm đó, bạn cơ bản là không có kỹ năng, không có kiến thức, và không có rất nhiều thứ nữa:

- Nhưng tao không biết làm gì, chẳng có mối quan hệ nào, và cháy túi rồi.
- Oh, thế là mầy chẳng có cái vẹo gì à?
- Yeah
- Vãi, là mầy chắc chán chết.

Nhưng trước khi bạn giải quyết sự vô dụng nói chung, có một vấn đề còn lớn hơn—con đường được định sẵn đã kết thúc. Đám trẻ khi ở trong trường giống như làm việc trong một công ty có CEO là một ai đó. Nhưng không ai là CEO của cuộc đời bạn—ngoại trừ chính bạn. Và bạn đã dành cả tuổi trẻ để trở thành một học sinh chuyên nghiệp, và hậu quả là bạn không có chút kinh nghiệm làm CEO của bất cứ thứ gì. Đến lúc này, bạn chỉ chịu trách nhiệm cho các quyết định vi mô—”Làm thế nào để là sinh viên giỏi?” —và giờ đột nhiên bạn nắm chìa khóa vào buồng lái vĩ mô, phải trả lời các câu hỏi vĩ mô như “Tôi là ai?” và “Các điều quan trọng trong cuộc đời này là gì?” và “Tôi có các lựa chọn nào, nên đi con đường nào, làm thế nào để tôi thậm chí tạo ra con đường cho mình?” Lần cuối chúng ta rời ghế nhà trường, các chỉ dẫn vĩ mô chúng ta quen được nhận bỗng nhiên biến mất, để lại chúng ta bơ vơ tự tay bóp zái, hoàn toàn không biết làm cái khỉ khô gì bây giờ.
Rồi thời gian trôi đi. Và chúng ta bước đi trên con đường không theo ý muốn. Và con đường đó trở thành câu chuyện của cả cuộc đời.
Đến cuối đời, khi chúng ta nhìn lại mọi thứ đã diễn ra, chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ đường đời của mình, với góc nhìn tổng quan bao quát.
Khi các nhà khoa học nghiên cứu về những người đang gần đất xa trời và cảm nhận của họ về cuộc đời, kết quả là rất nhiều người cảm thấy đầy nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng rất nhiều phần của sự hối tiếc đó bắt nguồn từ việc hầu hết chúng ta không được dạy về cách mở đường khi còn nhỏ, và hầu hết chúng ta cũng không cải thiện việc này khi trưởng thành, dẫn đến rất nhiều người nhìn lại cuộc đời với niềm tiếc nuối: với chính cá nhân và thế giới họ đã sống.
Vậy nên bài viết này là về việc tạo lập con đường. Hãy cùng dành 30-phút, tưởng tượng nằm trên giường bệnh trước lúc lâm trung, để nhìn lại con đường chúng ta đang đi, hướng về tương lai phía trước, và đảm bảo rằng nó thực sự có ý nghĩa nhé.

Thợ nấu ăn và người bếp trưởng - Nhắc lại

Trước đây, tôi đã viết về sự khác nhau tối quan trọng giữa việc “suy luận từ nguyên lý gốc” và “suy luận từ những điều tương đồng”—hay theo cách của tôi là như một “bếp trưởng” so với như một “thợ nấu ăn”. Từ khi viết bài đó, tôi để ý thấy sự khác biệt này ở khắp mọi nơi, và tôi đã nghĩ về nó chắc phải 2 triệu lần trong chính cuộc sống của mình.
Ý tưởng của sự tư duy từ nguyên lý gốc là cách suy luận của một nhà khoa học. Bạn sử dụng sự thật và các quan sát cốt lõi, kết hợp chúng với nhau để đưa ra một kết luận, tương tự như cách một bếp trưởng chơi đùa với các nguyên liệu thô và sáng tạo ra một món ăn ngon mới. Bằng cách suy nghĩ và giải quyết sâu sắc như vậy, cuối cùng bếp trưởng sẽ viết ra một công thức nấu ăn mới. Còn tư duy từ những điều tương đồng là bạn nhìn vào cách mà mọi thứ đã được hoàn thiện và cơ bản là sao chép nó, với một chút điểm xuyết cá nhân chỗ này chỗ kia—kiểu như một thợ nấu ăn làm theo một công thức có sẵn.
Một thợ nấu ăn sao chép nguyên văn công thức và một đầu bếp sáng tạo độc lập thuần tuý là hai thái cực đối nghịch của một phổ. Nhưng mỗi khi trong cuộc sống bạn cần lý luận hay ra quyết định, dù bạn có ở đâu trong phổ đi nữa, quá trình lập luận của bạn thường cơ bản sẽ giống-bếp-trưởng hoặc giống-thợ-nấu. Tạo mới vs. sao chép. Nguyên bản vs. tuân theo. 
Làm đầu bếp tốn rất nhiều thời gian và năng lượng—hợp lý thôi, bởi bạn không sáng tạo lại bánh xe, bạn đang sáng tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới. Cố gắng giải một vấn đề giống như tìm đường trong một khu rừng bí hiểm trong khi bạn bị bịt mắt vậy, luôn có rất nhiều thất bại, theo kiểu thử sai. Là một thợ nấu ăn dễ hơn rất nhiều, mọi thứ rõ ràng và ít khó chịu hơn. Trong hầu hết các trường hợp, làm một đầu bếp lãng phí thời gian kinh khủng, và đi kèm với đó là chi phí cơ hội cao, bởi thời gian sống trên Trái đất của chúng ta rất ít ỏi. Ngay lúc này, tôi đang mặc quần bò J. Crew, một chiếc t-shirt thô, áo hoodie, và giày hiệu Allbirds, bởi tôi đang cố gắng hòa đồng. Trước giờ, tôi nhìn quanh xem ai giông giống mình và mua quần áo giống họ. Điều này hoàn toàn bình thường—bởi với tôi quần áo không quá quan trọng, và không phải là cách tôi thể hiện cá tính của bản thân. Vậy nên trong trường hợp này của tôi, thời trang là khía cạnh hoàn hảo để dùng lối tư duy đi tắt, giống như một thợ nấu ăn.
[2] Ngoài ra thì hoodies rất thoải mái, mang giày Allbirds như đi tất suốt ngày vậy, và quần bò là cái quần đầy phép màu mà bạn sẽ không bao giờ cần phải giặt trừ khi bạn đổ thứ gì đó màu mè lên.
Nhưng có những khía cạnh rất rất quan trọng của cuộc sống—như sống ở đâu, chọn bạn như thế nào, bạn có định lập gia đình hay không và với ai, bạn định có con hay không và nuôi dạy chúng như thế nào, hay sắp xếp độ ưu tiên cho cuộc sống của mình như thế nào.
Vẽ ra con đường sự nghiệp cho bản thân chắc chắn là một trong những vấn đề rất rất quan trọng đó. Hãy cùng kể ra các lý do hiển nhiên vì sao:

Thời gian. Với hầu hết chúng ta, cả sự nghiệp (bao gồm thời gian phụ, như thời gian để di chuyển đến chỗ làm, hay thời gian suy nghĩ về công việc) sẽ ngốn đâu đó từ 50.000 tới 150.000 giờ. Thời điểm hiện tại, một đời người dài khoảng 750.000 giờ. Nếu bạn trừ đi tuổi thơ (~175.000 giờ) và khoảng thời gian (~325.000 giờ) trong giai đoạn trưởng thành dành cho việc ngủ, ăn, tập thể dục, và chăm sóc chính cơ thể bạn, cùng với thời gian làm việc vặt và lo cho bản thân, bạn còn lại 250.000 giờ trưởng thành có ý nghĩa. Thành ra một sự nghiệp điển hình chiếm từ 20% tới 60% quãng thời gian có ý nghĩa đó của bạn—không phải là vấn đề để thực hành làm thợ nấu.


Chất lượng cuộc sống. Sự nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến quãng thời gian ngoài giờ làm của bạn nữa. Với những ai chưa giàu nhờ thu nhập, hôn nhân, hay thừa kế, sự nghiệp đồng thời đóng vai trò đảm bảo cuộc sống. Các yếu tố cụ thể của công việc và sự nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định bạn sẽ sống ở đâu, cuộc sống của bạn linh hoạt như thế nào, thời gian rảnh bạn có thể làm gì, và đôi khi thậm chí là bạn sẽ cưới ai.


(còn tiếp)


Cảm ơn Huyền Trần (Samsam) đã đọc và biên tập cho bản dịch này.