Mình quyết định bắt đầu tập thói quen đọc sách trở lại với cuốn Anything you want của Derek Sivers là vì rất nhiều lí do. Thứ nhất rất đơn giản bởi vì độ dài của nó là rất ngắn, chỉ tầm 50 trang sách điện tử. Có thể nhìn qua con số các bạn sẽ tự nghĩ: "Ha ha, vậy mà cũng bảo là đọc sách, sách gì 50 trang, như là một bài viết kha khá là cùng..." hay "Vậy mà cũng khoe là đọc SÁCH, sách gì mỏng thế"... Nhưng bản thân mình chọn nó quả là vì độ dày khiêm tốn của nó. Bởi mình nghĩ nó rất phù hợp để bắt đầu thói quen đọc sách, kiểu như bạn mới tập thể dục lại, chẳng thể nào tự nhiên đẩy tạ luôn một phát 100kg, hay quay lại tập chạy và đưa ra luôn cự ly ngày đầu là 40km vậy. Đây là một cuốn sách rất ngắn gọn, phù hợp để đọc nó trong thời gian ngắn để lấy lại cảm hứng. Sẽ có cảm hứng bởi (lí do thứ hai chọn AYW) đó là mình đã biết qua nội dung cuốn sách và thấy nó phù hợp với dự định công việc sắp tới mình và đám bạn cùng chung tay làm, còn tại sao lại phù hợp, cuốn sách nói về gì, mình sẽ nói về chúng ở phần sau.
Anything you want (AYW) là một cuốn sách kì lạ. Điều kì lạ thứ nhất, vẫn là độ dài của nó, rất ngắn gọn, nhưng ẩn sau bên trong là một câu chuyện kéo dài 10 năm. Rất thú vị phải không? 10 năm là một quãng thời gian rất dài nhưng được gói gọn, chắt lọc trong 50 trang sách. Tiếp theo, cuốn sách như một cuốn hồi tưởng, tự thuật và tóm tắt trải nghiệm tuyệt vời nhất của tác giả (Derek Sivers) khi anh chuyển từ một nhạc công không chuyên sang một tay lập trình, tự mày mò thiết kế website và đạt được thành công tuyệt vời ngoài mong đợi. Và phần kì lạ nhất có lẽ là các câu chuyện, các lời khuyên, cách khéo léo chèn những bài học tinh tế mà cuốn sách truyền tải, gói gọn và xúc tích trong 50 trang. Một cuốn sách khiến bạn bị bất ngờ và ấn tượng sâu sắc sẽ làm cho bạn thấy tò mò, hứng thú và hưng phấn tìm hiểu, đọc và tiếp nhận nó. AYW là như thế, nó sẽ mang bạn đến một thành tựu kinh doanh, một thế giới mang tính cá nhân đặc thù, đi ngược lại hẳn với các triết lí kinh doanh mà trước đây bạn biết và ngầm định cho chúng là kiểu mẫu, đưa bạn đến một thế giới do bạn tự tạo ra và bạn thích làm gì với thế giới đó là quyền của bạn.
AYW kể về sự hình thành, phát triển và thành công của trang web CDBaby.com, nơi giấc mơ của các ca sĩ, các nhóm nhạc độc lập được hiện thực hóa - đến được tay người khán giả, không thông qua một hãng ghi âm hay chuỗi phân phối nhạc thu phí đắt đỏ nào. Mọi chuyện bắt đầu khi Derek, một nhạc sĩ không chuyên sống tại New York, đi tìm nơi bán CD của ban nhạc mình nhưng không ai nhận rao bán nhạc của anh cả. Derek tìm trên mạng Internet nhưng tại thời điểm ấy (1997-1998) không có gì trên Internet có thể giúp được Derek. Bực dọc nhưng quyết tâm, Derek quyết định tạo ra website mang tên CDBaby.com để là nơi rao bán sản phẩm âm nhạc cho anh và một vài người bạn. Nhưng ngoài mong đợi của Derek, ngày càng nhiều các nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc tìm đến trang của anh, đi ngược lại với mong muốn ban đầu hết sức ngây ngô: website cho anh và "vài" người bạn. Derek biến CDBaby thành thế giới riêng của mình nơi anh phục vụ và đem lại hạnh phúc cho các nhà làm nhạc trên toàn nước Mỹ và thế giới. Thế giới đó là nhà phân phối hoàn hảo cho các nghệ sĩ, nơi mục tiêu nguyên thủy, thuần khiết của nó là đem sản phẩm tinh thần của bạn đến với khán giả, người hâm mộ một cách dễ dàng nhất, đồng thời đem lại cho bạn những giá trị cả về vật chất và tinh thần. Xuyên suốt AYW bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện về thành lập công ty, những cách thức tổ chức quản lý khác thường, di biệt nhưng rất chí lí và nhân văn. Đó là cách công ty được thành lập: ngẫu hứng với mục đích đẹp đẽ; cách xây dựng trang web, nội dung và duy trì hoạt động: tất cả vì khách hàng, thẳng thắn và đầy tính người; cách thức tuyển chọn nhân viên: đơn giản, hóm hỉnh... Hãy đọc AYW và bạn sẽ có thêm những hiểu biết đầy ý nghĩa, để có một cái nhìn khác hẳn về việc thành lập và điều hành một công ty, không phải là một "corporate world" hà khắc, đầy mưu mô và toan tính, thay vào đó là những bài học rất gần gũi, dung dị, một cái nhìn, một con đường, một triết lí sống thoải mái, vô tư và nhân văn.